Âm hồn làm cả làng gặp tai ương

0
331

Chuyện tưởng chừng như chẳng có gì nếu làng Đại Trạch không có những chuyện xấu liên tiếp xảy ra khiến lòng người xôn xao.

Hàng nghìn vong hồn nổi giận?

Nhắc đến ngôi miếu Âm hồn, người dân nơi đây vẫn rùng mình về ký ức kinh hoàng liên tiếp xảy ra mấy năm trở lại đây. Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 50km, chúng tôi tìm về thôn Đại Trạch (Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) để tìm hiểu thực hư về những lời đồn ma ám đầy kỳ bí nơi đây.

Theo các cụ cao niên trong làng, miếu Âm hồn được dựng lên cách đây gần hai thế kỷ, do một người phụ nữ tài sắc, người vợ thứ ba của ông Cai Vàng, một thủ lĩnh tiến hành khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn. Ông Cai Vàng người Bắc Giang có thời làm Chánh tổng, bởi vậy cái tên Cai Vàng có từ ngày đó. Năm 1862, lấy danh nghĩa phù Lê, nhưng mục đích chính vẫn là vì thù nhà, cha ông bị quan chi phủ Lạng Giang bức tử. Ông Cai Vàng chiêu binh khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn (thời vua Tự Đức) ở Bắc Ninh. Thật không may, ông bị trúng đạn, bị thương nặng rồi mất. Để hoàn thành tâm nguyện của chồng, người vợ thứ 3 tức bà ba Cai Vàng tiếp tục cầm quân khởi nghĩa  đến năm 1864. Bà ba Cai Vàng vốn là người gốc Sơn Tây, dòng dõi nhà Lê. Sau khi trả thù cho chồng, bà xây dựng miếu Âm hồn chính trên mảnh đất ông Cai Vàng và nghĩa sỹ nằm xuống rồi xuống tóc đi tu tại ngay ngôi chùa làng gần đó.

Hàng ngày, cụ Nguyễn Thị Thơm (90 tuổi) vẫn đều đặn chống gậy ra chùa thắp hương, kể: “Từ ngày còn ít tuổi, tôi đã được nghe các cụ kể lại, làng Đại Trạch có miếu Âm hồn rất thiêng. Lịch sử ngôi miếu gắn liền với cuộc đời ông Cai Vàng. Các cụ bảo ngôi miếu Âm hồn cùng nằm trên dải đất thiêng với ngôi miếu thờ tứ vị Thần lương, ai xâm lấn hay phạm vào dải đất này sẽ “mất mạng”. Thời chiến tranh loạn lạc, miếu Âm hồn bị dính bom đạn, có ba gian đã bị dỡ bỏ chỉ còn phần nền. Sau này, các phần mộ được di dời đi nơi khác, đất được bán đấu thầu cho nhiều hộ lấy đóng gạch”.

Còn cụ Nguyễn Văn Tháp (81 tuổi), một người am hiểu về văn hóa cũng như lịch sử của làng và đã dịch nhiều bia đá cổ của làng cho biết: “Tôi được nghe ông nội kể, miếu Âm hồn thờ những người lính, người vô danh. Trong hàng nghìn nấm mộ đó có mộ ông Cai Vàng, nhưng tuyệt nhiên không ai biết chính xác mộ ông ở vị trí nào. Miếu Âm hồn ngày đó to lắm, có ba gian nhà chính và năm gian bên ngoài. Chiến tranh loạn lạc, ngôi miếu bị bom đạn san phẳng chỉ còn phần nền”.

Ông Nguyễn Văn Giỏi nói đây là ngôi miếu của một người đã khuất từng đào đất làm gạch dựng lên thờ cúng các vong.

Chuyện tưởng chừng như chẳng có gì nếu làng Đại Trạch không có những chuyện xấu liên tiếp xảy ra. Đầu tiên là chuyện anh thầu đất làm gạch  bị máy xúc nghiền nát một chân. Không lâu sau đó, một người làng cũng bị ngã xuống hố sâu đào đất trước đó rồi cũng mất mạng. Lý giải về điều này, cụ Tháp và nhiều người già trong làng bảo, trần sao thì âm vậy, nếu mạo phạm đến chỗ ở của các ngài, làng sẽ gặp những điều chẳng lành.

Cụ Nguyễn Thị Thơm nói: “Sau khi miếu Âm hồn bị dỡ xuống, nhiều người đã mang những thanh gỗ, gạch ngói về làm chuồng lợn. Điều lạ kỳ, lợn nuôi mãi không lớn, con nào cũng còi cọc hoặc bị bệnh mà lăn ra chết. Ngoài ra, ngày trước các quan lớn đi ngang qua đấy cũng phải xuống ngựa mà vái lạy nếu không muốn mất mạng”.

Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây, dải đất thiêng, trong đó có phần đất nền miếu Âm hồn bị một số người dân khai thác triệt để đã “động” đến “phần âm” khiến hàng loạt những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra làm nhiều người phải khiếp sợ.

Chuyện kỳ quái từ cuộc điện thoại ở nước ngoài gọi về

Gợi lại chuyện ngôi miếu Âm hồn “bị động” khiến cả làng mất ăn mất ngủ, cô Nguyễn Thị Hướng nhắc đi nhắc lại, ngôi miếu đó thiêng lắm chớ có mạo phạm. Câu chuyện bắt đầu từ một vụ án con rể hiền lành, chăm chỉ làm ăn, có hiếu với hai bên gia đình bỗng một ngày hóa điên vung dao đâm chết mẹ vợ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Cả làng không ai tin nổi một người hiền lành như vậy lại trở lên độc ác đến thế.

Không lâu sau, một chuyện khác vô cùng đau lòng đã xảy ra, đúng vào vụ gặt cả làng đều rất bận rộn. Một gia đình trong làng có 6 người đi gặt lúa hết chỉ để bà cụ già yếu trông nhà và lo cơm nước cho con cháu khi đi làm đồng về. Vì mắt đã mờ, bà cụ ở nhà nấu cơm đã nhầm lọ thuốc diệt mối là bột canh, cho vào thức ăn và nồi canh. Cả nhà gặt lúa về tranh thủ ăn cơm thật nhanh mà không hề hay biết. Ngay sau đó, cả nhà sáu người đều bị ngộ độc. Người hàng xóm phát hiện ra đưa đi bệnh viện nhưng đã quá muộn, chỉ cứu được một đứa nhỏ nhất. Cả nhà năm mạng người trong một đám tang, cả làng vô cùng thương xót và bàng hoàng. Hình ảnh cả nhà nạn nhân quằn quại, đau đớn, có người khuôn mặt biến dạng sưng phù, không biết nguyên nhân gì dẫn đến cảnh đau lòng như vậy.

Sau những việc vô cùng đau đớn và thương tâm, cả làng lo lắng, nhiều người đi xem bói bảo làng bị “động phần âm” bởi đã xâm phạm dải đất thiêng nên bị ngài trừng phạt. Những lời đồn ma ám và thậm chí một số người dân còn thêu dệt lên chuyện ma ám làng Đại Trạch. 

Một người làng hiện đang đi lao động tại Hàn Quốc và ở luôn bên đó đã hơn chục năm chưa về làng, bỗng một hôm, người này gọi điện về nhà, hỏi trong gia đình nhà mình có chuyện buồn gì xảy ra không? Gia đình nghĩ rằng, người này đã được ai báo tin nên không muốn giấu, một người thân vừa bị chết đuối. Sự thật, anh này ở Hàn Quốc có biết một ông thầy bói gốc Việt rất giỏi, ông thầy phán, quê hương anh đang “bị động”, khiến người nhà anh mất mạng. Phải làm lễ giải hạn nếu không cả làng sẽ còn gặp nhiều tai ương, điều xấu kéo đến nữa. Nghe “thầy” phán xong, anh gọi ngay điện về quê nhà xem thử thực hư thế nào lại đúng như những gì “thầy” phán.

Sau chuyện này, người làng Đại Trạch càng tin vào câu chuyện gia đình người đi Hàn Quốc kể, cả làng nơm nớp lo sợ. Không ai bảo ai, nhiều gia đình mời thầy, về làm lễ giải hạn mong những điều xui xẻo, tai ương không ập đến gia đình mình. Một lần nữa, câu chuyện về ma ám được đẩy lên tột độ vào giữa năm 2013, cả làng có liên tiếp 8 người ra đi cùng một lúc. Người dân bàn tán và đúc kết rằng những gia đình có tang hay gặp chuyện không may đều sinh sống trong cùng một dong đất, nằm trong dải đất thiêng.

Lý giải về điều này cụ Nguyễn Quốc Trượng (82 tuổi) cho rằng: “Miếu Âm hồn bị phá đi, đất miếu bị xẻ thịt tan hoang và trở thành nơi sản xuất, nơi sinh sống của nhiều hộ dân. Chiếm hết chỗ ở của các ngài khiến các ngài nổi giận nên một số nhà mới bị trừng phạt. Miếu Âm hồn dù không còn, nhưng trước đây chôn hàng nghìn thi thể, nay đã được di dời đi nhưng phần đất ở đó âm khí rất nặng. Ngày mà người ta đào được hàng nghìn ngôi mộ xung quanh ngôi miếu Âm hồn đã phát hiện một chiếc quan tài dựng đứng, đây có thể là một cách để trấn yểm để cho khu mộ này “bất khả xâm phạm”