Thực hư chuyện rùa đá cõng bia quay đầu về nhà nào là nhà đó gặp họa?

0
325

Từ khi người dân thôn Nhân Mỹ huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lập bàn thờ hương khói cho một “ông” rùa đá, nhiều câu chuyện lạ đã xuất hiện.

 

Rùa đá quay về nhà nào là nhà đó gặp họa? (Ảnh minh họa) Rùa đá quay về nhà nào là nhà đó gặp họa? (Ảnh minh họa)

 

Tấm bia chữ Nho được “ông” cõng trên lưng cũng đã mờ mịt nhưng nhiều người vẫn sợ hãi, không dám động chạm.

 

Sợ hãi không dám chạm vào rùa

 

Yên vị dưới gốc cây gạo cổ thụ cành lá sum suê, “ông” rùa cõng tấm bia đá bị mẻ mất một góc với bàn thờ đầy khói hương nghi ngút. Cụ Nguyễn Văn Nhiễu (84 tuổi), một cao niên trong thôn cho biết: “Từ khi sinh ra, chúng tôi đã thấy sự xuất hiện của “ông” rùa. Ban đầu, “ông” nằm dưới gốc cây gạo ở giữa chợ Vước. Sau đó, người dân di chuyển hết chỗ này chỗ nọ, cuối cùng đặt yên vị ở gốc cây gạo hiện tại, cách chỗ cũ khoảng 10m”.

 

Về tấm bia trên lưng rùa, cụ Nhiễu cho hay: “Ngày trước, thấy chợ Vước tồi tàn, xập xệ nên một số người trong thôn vận động nhau quyên góp tiền xây dựng lại cho đàng hoàng, tươm tất. Nhiều gian hàng mọc lên, chợ ngày càng trở nên sầm uất, náo nhiệt. Việc đi lại trao đổi mua bán của người dân vì thế diễn ra khá suôn sẻ và thuận tiện. Nhằm nhớ ơn những người đã có công đóng góp tiền bạc xây dựng chợ, người ta tạc bia và ghi chép danh sách những người đó lại, dựng ngay bên “ông” rùa”.

 

Tuy nhiên, trải qua thời gian, tấm bia bị vứt nằm trơ trọi ở nhiều chỗ do người dân không chú ý giữ gìn, lúc ở khu vực bụi cỏ rậm rạp bên bờ ruộng, lúc chỏng chơ ở rìa đường, cuối cùng bị thất lạc. “Chỉ đến khi tôn tạo lại chợ Vước, người dân đổ nền bê tông xung quanh chợ bất ngờ đào thấy tấm bia cũ, nhưng trong lúc đào chẳng may làm vỡ mất một góc của chân tấm bia”, cụ Nhiễu kể lại.

 

Lần này đã có ý thức giữ gìn và muốn nhớ tới công lao của những người có công xây chợ, người dân quyết định gắn tấm bia vỡ đó lên lưng “ông” rùa, đặt ngay ngắn dưới gốc cây gạo trên đường vào chợ. Từ đó, “ông” rùa và tấm bia ngày càng được cung kính, được dân làng ra sức bảo vệ, trông coi. Bình thường, người trong thôn đi làm đồng về qua cây gạo đều tranh thủ ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện cho đỡ mệt. Tuy nhiên, không ai dám xâm phạm “ông” rùa, vì đã có nhiều câu chuyện kì lạ và trùng hợp xảy ra từ ngày tấm bia được gắn lên.

 

Anh Nguyễn Tất Nghĩa (48 tuổi) chia sẻ: “Nếu chẳng may có ai muốn “thử sức” mà xê dịch “ông” rùa, sau đó đầu “ông” ngoảnh về hướng nhà nào thì nhà đó gặp chuyện không hay. Hoặc ai đó ra nơi “ông” nằm mà vô tình có hành động phỉ báng, xúc phạm là y như rằng người đó gặp nạn”.

 

Theo anh Nghĩa, năm 1998, khi thôn làm đường bê tông đã nhờ nhà một người dân ở đó ra xê dịch “ông” rùa. Trong quá trình xê dịch, anh này không để ý đã đứng lên đầu “ông” và nhổ một miếng nước bọt xuống mình rùa. Mấy ngày sau, vợ chồng anh này chỉ lục đục nhỏ mà người vợ đùng đùng bỏ đi biệt tích. Bản thân anh này một tháng sau chẳng may bị điện giật dẫn đến tử vong.

 

Chưa hết, vào năm 2000, tiếp tục một gia đình sống gần đó có người con trai ra gốc gạo chơi, anh này thử nâng “ông” rùa lên xem nặng nhẹ ra sao. Vừa lúc có người bạn gọi đi đá bóng, anh này đặt vội “ông” xuống không đúng vị trí, vô tình để đầu quay về chính hướng nhà mình. “Hôm đó, cậu ấy đá bóng xong chạy nhanh về nhà định tắm rửa, đi tới chỗ chợ Vước thì bị một xe máy phóng ra đâm trúng, bị thương nặng, cấp cứu ở bệnh viện được mấy ngày thì tử nạn”, anh Nghĩa cho biết thêm.

 

Sau hai tai nạn tử vong, dân thôn Nhân Mỹ bắt đầu rỉ tai nhau nỗi lo lắng, cho rằng “những người có tên trên bia đá kia khi qua đời vì ấm ức chuyện dân làng vứt tấm bia lung tung nên đã nhập vào “ông” rùa “quở phạt” người dân”. Từ đó không ai dám “vô lễ”, còn quyết định lập bàn thờ để mong không bị trách phạt. Người dân cũng quyết định xoay đầu “ông” hướng ra khu đất trống gần đó để tránh đầu “ông” hướng vào một nhà nào “gây họa”.

 

Rùa đá không thể “phạt” người

 

Ông Lê Ngọc Phúc (Trưởng thôn Nhân Mỹ) cho biết: “Chuyện “ông” rùa cứ quay đầu về nhà ai hoặc ai có hành động xúc phạm lên “ông” là bị “quở phạt” chỉ là tin đồn. Những sự việc đã xảy ra chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

 

Ông lý giải cặn kẽ hơn: “Người đàn ông xê dịch và nhổ nước bọt lên “ông” rùa là anh Nguyễn Hữu Tâm. Nhưng không phải vì anh Tâm có hành động như vậy mà gặp nạn”. Vợ chồng anh Tâm thường xuyên xảy ra lục đục. Anh chồng có tính hay ghen, thường nghi ngờ vợ tằng tịu với người khác. Rất nhiều lần vợ chồng cãi nhau, vợ anh Tâm đã giận dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ. Còn chuyện anh này tử vong do bất cẩn đi chân đất khi cắm siêu nước điện, đầu dây cắm bị hở nên bị điện giật ngã nhoài ra đất. Khi được người dân phát hiện, anh Tâm đã tử vong.

 

Câu chuyện chàng trai trẻ nâng đầu “ông” vô tình để hướng về nhà mình là anh Trần Hợp Kim. Anh này gặp tai nạn do người điều khiển xe hôm đó phóng với tốc độ nhanh, không làm chủ được tay lái, trong lúc rẽ từ ngõ ra đường chính đã đâm vào. Kim được đi cấp cứu ngay sau đó nhưng bị mất máu nhiều, hai ngày sau thì qua đời.

 

Việc người dân lập bàn thờ “hương khói” được ông trưởng thôn giải thích: “Cả “ông” rùa và tấm bia đều có từ lâu đời. Chúng tôi sinh ra đã có rồi. “Ông” rùa từ đâu xuất hiện, tôi cũng như nhiều cụ cao niên ở thôn không rõ. Còn danh sách trên tấm bia chúng tôi được biết là tên những người ngày trước đóng góp xây dựng chợ Vước”.

 

Theo ông Phúc, vào năm 2013, huyện đã cử người về xem xét, tìm hiểu nguồn gốc tấm bia. Khi tìm hiểu những dòng chữ Nho viết trên đó, cán bộ văn hóa cho biết đây là danh sách những người góp tiền xây dựng chợ. Về phần “ông” rùa, cả ông trưởng thôn cũng như cụ Nhiễu đều khẳng định: Đó chỉ là một con rùa đá bình thường. “Người dân lập bàn thờ thờ phụng chỉ là niềm tin tâm linh. Có thể họ cho rằng “ông” rùa đại diện cho một linh vật nên thắp hương khấn vái với hi vọng được bình an. Mọi người cũng cho rằng, “ông” rùa và tấm bia đã có từ lâu đời, cứ coi như vật chung mà gìn giữ cho thôn mình”, ông Phúc bày tỏ.